Đa thai - Sự kỳ diệu của tạo hóa và những ẩn họa

Việc mang thai gây ra nhiều căng thẳng trên cơ thể. Khi mang đa thai, những khó khăn này thậm chí còn nhiều hơn. Thế nên, có nhiều điều mẹ bầu cần nắm rõ.

Mẹ bầu mang đa thai là một điều kỳ diệu. Dù muốn hay không, bạn cũng phải chuẩn bị sẵn sàng về mặt thể chất lẫn tâm lý để chào đón nhiều hơn một bé ra đời. Dưới đây là những kinh nghiệm rất cần thiết cho mẹ bầu mang đa thai.

Đa thai là gì?


da-thai-su-ky-dieu-cua-tao-hoa

Khi có hai hoặc nhiều em bé lớn lên trong tử cung của người mẹ cùng một lúc, chúng được gọi là "đa thai". Đôi khi các em bé trông giống hệt nhau, và đôi khi chúng không trông giống nhau hơn các anh chị em ruột là mấy. Đa thai xảy ra theo những cách khác nhau.

Đa thai cùng trứng

Nếu một trứng sau khi được thụ tinh bởi một tinh trùng lại chia làm đôi - một việc đôi khi vẫn xảy ra, bạn sẽ có một cặp song sinh cùng trứng. Nếu một trong hai quả “trứng” đó lại tách ra lần nữa, bạn sẽ có sinh ba cùng trứng, và v.v…. Tất cả các em bé này đều bắt đầu với cùng một bộ gen: Chúng sẽ hoặc là toàn bé trai hoặc là toàn bé gái, và các bé sẽ giống hệt nhau. Đa thai cùng trứng xảy ra với tỷ lệ 3 - 4/1000 trẻ sinh sống.

Đa thai khác trứng

Đôi khi, có nhiều trứng chín và rụng trong buồng trứng của người phụ nữ trong một tháng. Nếu mỗi trứng được thụ tinh bằng một tinh trùng khác nhau, thì đa thai khác trứng sẽ xảy ra. Không giống như đa thai cùng trứng, gen của các em bé đa thai khác trứng sẽ khác nhau như mọi anh chị em ruột khác cùng cha mẹ. Kiểu đa thai này hay gặp hơn đa thai cùng trứng.

Đa thai cùng mẹ khác cha

Nếu một người phụ nữ có hai hoặc nhiều trứng rụng trong một chu kỳ, thì mỗi trứng có thể được thụ tinh ở những thời điểm khác nhau - thậm chí với những người khác nhau. Vì vậy, có thể có trường hợp đa thai cùng mẹ khác cha.

Các biến chứng thường gặp

da-thai-cung-trung

Trên thực tế việc sinh đa thai đồng nghĩa tăng nguy cơ rủi ro cho cả mẹ và con. Do vậy, kể từ khi có kết quả xác nhận mang đa thai, các bà mẹ thường cùng bác sĩ bắt đầu lập kế hoạch sao cho việc sinh nở của họ được diễn ra an toàn và tốt đẹp nhất có thể. Bởi chúng ta cần phải xác định rằng sự an toàn của mẹ và bé luôn là mục tiêu quan trọng.

Đẻ non

Đây là biến chứng hay gặp nhất ở những trường hợp đa thai. Một em bé "đủ tháng" sẽ chào đời vào khoảng tuần thai 39 hoặc 40, nhưng đa số các trường hợp đa thai đều ra đời sớm dưới 37 tuần thai. Các trường hợp đa thai dễ đẻ non hơn gấp 6 lần so với mang một thai. Trẻ sinh trước 32 tuần dễ gặp phải những vấn đề về sức khoẻ lâu dài như nghe kém, các vấn đề về mắt, và có thể tổn thương não.

Nguy cơ xảy ra tiền sản giật

da-thai-nguy-co-tien-san-giat

Tiền sản giật là một bệnh lý nguy hiểm liên quan tới huyết áp, thường bắt đầu sau 20 tuần mang thai hoặc sau khi sinh con. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ trường hợp thai nghén nào, nhưng hay gặp hơn nhiều ở các bà mẹ mang đa thai. Tăng huyết áp thường là dấu hiệu đầu tiên, nhưng người mẹ bị tiền sản giật cũng có thể bị đau đầu, các vấn đề về thị giác, buồn nôn, và nôn.

Căn bệnh này có khả năng làm hỏng nhiều cơ quan trong cơ thể bạn, phổ biến nhất là thận, gan, não và mắt. Tiền sản giật có thể tiến triển thành sản giật, làm cho mẹ bầu bị co giật, đe dọa tính mạng. Khi tiền sản giật xảy ra trong thai kỳ, em bé có thể cần được sinh ra ngay, thậm chí cả khi chúng chưa phát triển đầy đủ.

Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ

Phụ nữ mang đa thai có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao hơn so với mẹ bầu đơn thai. Căn bệnh này làm tăng nguy cơ xảy ra tiền sản giật và có khả năng gây ra đái tháo đường sau khi sinh. Hậu quả, trẻ sơ sinh có thể gặp vấn đề về hô hấp và có lượng đường trong máu thấp. Chế độ ăn uống, tập thể dục, và biện pháp dùng thuốc có thể làm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng này.

Nguy cơ thai nhi bị rối loạn tăng trưởng

Các bé sinh đôi, sinh ba thường gặp các vấn đề về tăng trưởng. Đa thai có thể không đồng đều khi có một bào thai nhỏ hơn nhiều so với các thai nhi còn lại. Sự tăng trưởng hạn chế của thai nhi còn có thể bắt nguồn từ nguy cơ nhiễm trùng, hội chứng truyền máu song sinh, hoặc do một vấn đề nào đó xảy ra với nhau thai và dây rốn.

Nếu nghi ngờ các bé đang phát triển chậm, mẹ bầu mang đa thai có thể thực hiện siêu âm thường xuyên để theo dõi sự phát triển của thai nhi.

Nguy cơ mẹ bầu đa thai phải sinh mổ

Nguy cơ mẹ bầu phải sinh mổ thường cao hơn khi mang đa thai. Trong một số trường hợp, cặp song sinh vẫn có thể được sinh bằng đường âm đạo. Những yếu tố sau đây giúp bác sĩ xác định phương thức sinh con của mẹ:
  • Số lượng em bé, vị trí, cân nặng và sức khỏe của mỗi bé.
  • Sức khỏe của thai phụ và tình trạng lúc lâm bồn
  • Kinh nghiệm của đội ngũ bác sĩ

Nguy cơ trầm cảm sau sinh

Phụ nữ mang bầu đa thai làm tăng nguy cơ xảy ra trầm cảm sau sinh. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy buồn bã, lo lắng hoặc tuyệt vọng, khiến bạn không thể thực hiện các công việc hàng ngày, thì đó rất có thể là dấu hiệu của trầm cảm sau sinh.

Lời khuyên hãy đi khám bác sĩ: Vì các bà mẹ đa thai dễ gặp trục trặc và đẻ sớm hơn so với những trường hợp mang thai đơn nên các bác sĩ thường muốn theo dõi sát sao hơn. Họ theo dõi sự tăng trưởng và phát triển của em bé, theo dõi sức khoẻ của người mẹ, và theo dõi các dấu hiệu của chuyển dạ sớm. Họ cũng có thể tiến hành siêu âm và các xét nghiệm khác để đảm bảo mọi thứ đều ổn.

Bài viết là những chia sẻ hữu ích giúp mẹ bầu có kiến thức khi mang thai, chúc các mẹ có một thai kì khỏe mạnh.

No comments