Xét nghiệm nội tiết cần làm trong khám vô sinh nữ

Xét nghiệm nội tiết tố trong khám vô sinh nữ là gì? Để làm gì?


Xét nghiệm nội tiết tố nữ là việc thực hiện một chuỗi các thủ thuật y tế để đánh giá tình trạng hoạt động, cũng như khả năng dự trữ noãn của buồng trứng, sự phát triển của nang noãn và rụng trứng. Đây là một xét nghiệm cần thiết trong khám vô sinh nữ. Thông qua các xét nghiệm này, bác sĩ có thể phát hiện ra các rối loạn trong nội tiết tố của người phụ nữ và đưa ra hướng điều trị thích hợp.

Xét nghiệm nội tiết tố là việc mà phụ nữ nên làm thường xuyên, định kỳ khoảng 1 – 2 lần/năm để chắc chắn rằng các chức năng của cơ thể, đặc biệt là chức năng sinh sản vẫn bình thường. Riêng đối với một số phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, vòng kinh dài trên 35 ngày, người khó mang thai, phụ nữ cho trứng, phụ nữ thụ tinh trong ống nghiệm thì xét nghiệm nội tiết tố gần như là việc làm bắt buộc.


1. Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC)


Xét nghiệm máu toàn bộ hay công thức máu đầy đủ là xét nghiệm được tiến hành để đánh giá sức khỏe tổng thể xem có bị thiếu máu, nhiễm trùng hay bệnh bạch cầu hay không. Cụ thể, xét nghiệm cho biết:
  • Số lượng hồng cầu: các tế bào máu đỏ mang oxy.
  • Số lượng bạch cầu: các tế bào máu trắng có chức năng kháng viêm.
  • Số lượng tiểu cầu: có tác dụng giúp đông máu.
  • Hemoglobin: các protein vận chuyển oxy trong các tế bào máu đỏ.
  • Hematocrit: tỷ lệ các tế bào máu đỏ so với thành phần chất lỏng hoặc huyết tương trong máu.

2. Xét nghiệm Estrogen


Estrogen là hormon sinh dục quan trọng cho phụ nữ. Chúng được sản xuất tại buồng trứng. Estrogen có 3 dạng phổ biến như sau:

- Estrone (E1)
- Estradiol (E2): Đây là dạng phổ biến nhất của estrogen và thường được quan tâm nhiều nhất. Nếu nồng độ estradiol quá cao, người phụ nữ có thể có những thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt, nhức đầu, rụng tóc và tăng nguy cơ ung thư vú. Ngoài ra còn tác động lên tâm lý, cảm xúc của người phụ nữ gây khó chịu, cảm xúc thất thường.

Estriol được tạo ra từ buồng trứng và nhau thai. Nồng độ E2 thấp nhất lúc có kinh và trong pha nang noãn sớm, sau đó tăng lên trong pha nang noãn muộn trước khi xuất hiện LH
Khi có đỉnh LH, E2 bắt đầu giảm trước khi tăng trở lại trong giai đoạn hoàng thể. Nồng độ E2 ở các đỉnh nói trên vào khoảng 125 - 500 pg/ ml, ở những ngày khác thấp hơn, nhưng nếu thấp hơn 50 pg/ ml thì coi như buồng trứng kém hoạt động.

- Estriol (E3):  Hormon E3 thường được kiểm tra ở phụ nữ mang thai. Nồng độ E3 bất thường có thể là dấu hiệu vấn đề về sức khỏe của thai nhi. Nhưng các bác sĩ sẽ cần làm thêm nhiều xét nghiệm khác để chẩn đoán chắc chắn.

Xét nghiệm estrogen thường được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp như sau:

  • Kinh nguyệt không đều.
  • Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh.
  • Đánh giá hiệu quả của việc sử dụng hormone trong điều trị.
  • Dậy thì sớm hoặc muộn hơn bình thường.


Chỉ số bình thường:              E2 (pg/ ml)
Pha nang noãn.                       39 - 189
Giữa chu kỳ.                            94 - 508
Pha hoàng thể.                         48 - 309
Mãn kinh.                                  < 50

3. Xét nghiệm progesteron


Là 1 hormone do hoàng thể tiết ra sau khi có sự phóng noãn xảy ra.
Đối với phụ nữ mang thai, progesterone cần duy trì ở mức cao để bảo vệ thai nhi. Còn đối với phụ nữ bình thường, nếu nồng độ progesterone quá cao sẽ gây mệt mỏi, đau ngực, trầm cảm, giảm ham muốn, mụn trứng cá. Sự mất cân bằng giữa progesterone và estrogen cũng sẽ làm đảo lộn chu kỳ kinh nguyệt, ngăn cản sự rụng trứng, làm giảm tỉ lệ mang thai.

Xét nghiệm progesteron là một phần của xét nghiệm nội tiết tố giúp bác sĩ đảm bảo mọi thứ đều ổn nếu bạn đang mang thai, hoặc kiểm tra các vấn đề sinh sản khác của phụ nữ.
- Giá trị bình thường :Pha nang noãn : 0.6-3.8 nmol/l

4. Xét nghiệm AMH


Đây là xét nghiệm cho kết quả chính xác nhất trong việc chẩn đoán và điều trị hiếm muộn hiện nay. Nếu hormon AMH quá thấp, cơ thể phụ nữ sẽ đáp ứng kém với thuốc khi làm thụ tinh trong ống nghiệm. Ngược lại nếu như AMH quá cao, phụ nữ có thể mắc chứng quá kích buồng trứng, gây vô sinh.

5. FSH


Được tiết ra từ tuyến yên, có tác dụng kích thích nang noãn phát triển.
Việc định lượng FSH được tiến hành khi có nghi ngờ các rối loạn về nội tiết , suy buồng trứng nguyên phát, suy buông trứng sớm (mãn kinh sớm), suy tuyến yên.

Giá trị bình thường                     FSH (mIU/ ml)
Pha nang noãn sớm                         0.2  - 10
Thời kỳ rụng trứng                          10 - 23
Pha hoàng thể                                  1.5 - 9
Mãn kinh                                         30 - 140

- Đỉnh FSH có ở những ngày phóng noãn, có thể lên tới 10 - 23 mIU/ ml. Nếu xét nghiệm FSH vào những ngày này mà nhỏ hơn 10 mIU/ ml thì có thể xem tuyến yên kém chế tiết hormon hướng sinh dục.

- Nếu FSH đầu chu kỳ thường xuyên cao hơn 30 mUI/ ml  thì coi như suy buồng trứng nên tuyến yên tăng cường hoạt động.

6. LH


LH cùng với FSH được tạo ra từ tuyến yên dưới sự điều khiển của GnRH vùng dưới đồi.

- Định lượng nồng độ LH là một việc làm thiết yếu xác định thời điểm rụng trứng , thời điểm thụ tinh, và có thể chẩn đoán được sự rối loạn về trục dưới đồi -tuyến yên, xác định thời điểm giao hợp tốt nhất và thụ tinh nhân tạo (do LH tăng trước khi rụng trứng). Mặt khác, việc định lượng  LH ở nữ còn mang lại lợi ích trong việc chẩn đoán các hiện tượng vô kinh, mãn  kinh, vòng kinh không rụng trứng, hội trứng PCOS (hội chứng buồng trứng đa nang), suy vùng dưới đồi. 

Nồng độ đỉnh LH lúc phóng noãn khoảng 40-80 IU/l và kéo dài ít nhất 17 giờ (giúp noãn trưởng thành).

Giá trị bình thường:          LH (mIU/ ml)
Pha nang noãn:                     1 - 18
Giữa chu kỳ:                         24 - 105
Pha hoàng thể:                      0,4 - 20
Mãn kinh:                             15 -  62

- Nồng độ LH nói chung gần như thấp suốt chu kỳ, chỉ có đỉnh cao nhất trước phóng noãn 1 - 2 ngày với trị số từ 17 - 80 mUI/ ml. Nếu nồng độ LH ở giữa chu kỳ < 10 mUI/ ml thì coi như không có đỉnh LH để kích thích phóng noãn.

- Nồng độ LH  > 20 mUI/ ml ở đầu chu kỳ có thể là suy buồng trứng.

- Khi LH  > 10 mUI/ ml và tỉ lệ LH/ FSH > 2 là một dấu hiệu của buồng trứng đa nang.

7. Testosteron


Ở nữ 50% được tạo ra từ máu ngoại vi, 25% từ buồng trứng và 25% được tạo ra từ tuyến thượng thận. Testosteron góp phần tạo ra các đặc tính sinh dục thứ phát.

- Ở nữ, định lượng testosterone máu khi trên lâm sàng có các dấu hiệu như : rậm lông, trứng cá, béo phì. Testosteron huyết thanh tăng giúp thêm cho chẩn đoán PCOS (hội chứng buồng trứng đa nang), nhất là khi nồng độ rất cao nằm trong ngưỡng của nam giới. Ngoài ra nó còn gợi ý sự tồn tại của 1 dạng u hiếm gặp của buồng trứng hay võ thượng thận làm tăng tiết androgen

8. Prolactin

  • Là 1 chuỗi polypeptid do thuỳ trước tuyến yên tiết ra chịu trách nhiệm sản xuất sữa và gây vô kinh.
  • Prolactin được tiết ra với số lượng lớn khi có thai và cho con bú. Đôi khi nó được tiết ra với  khối lượng lớn vào những thời điểm không thích hợp, điều đó cũng gây nên mất kinh.
  • Xét nghiệm này được làm khi thấy có dấu hiệu chảy sữa ở ngực, và có thể làm vào bất kỳ thời điểm nào của vòng kinh.
  • Khi Prolactin cao sẽ gây ức chế giải phóng GnRH do vậy mà tuyến yên không chế tiết FSH, LH  nên không có sự phát triển nang noãn, không có kinh.
  • Prolactin cao trong các trường hợp sau: mang thai, kích thích vú, stress, rối loạn chuyển hoá estrogen, progesterone, androgen, dùng thuốc gây nghiện heroin, an thần, thiểu năng giáp, u lành tiết prolactin…
  • Bình thường nồng độ trong máu 30 ng/ ml thì có tăng tiết Prolactin, đặc biệt nếu > 100 ng/ ml thì ngoài những nguyên nhân kể trên phải nghi ngờ có u tuyến yên.


Khi nào bạn cần làm xét nghiệm nội tiết tố nữ?


Bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm nội tiết tố nữ nếu bạn có các vấn đề như:

  • Kinh nguyệt ra rất ít hoặc rất nhiều. Hoặc kinh kéo dài hơn bình thường;
  • Vô kinh nguyên phát (chưa khi nào có kinh nguyệt) hoặc vô kinh thứ phát (đã từng có nhưng đột nhiên nhiều tháng liền mới có hoặc không thấy có);
  • Chảy máu âm đạo bất thường ngoài kỳ kinh ;
  • Nghi ngờ hội chứng buồng trứng đa nang với các dấu hiệu như: Kinh nguyệt không đều, tâm trạng thất thường, rậm lông, tăng cân,…
  • Khó khăn khi thụ thai;
  • Phụ nữ thụ tinh trong ống nghiệm.

Chuẩn bị gì trước khi tiến hành xét nghiệm


Phần lớn xét nghiệm nội tiết tố nữ được thực hiện bằng cách lấy máu. Tuy nhiên, với xét nghiệm nội tiết tố nữ, bạn không cần phải nhịn ăn hoặc nhịn uống như với các xét nghiệm máu khác.
Trước khi làm xét nghiệm, bạn nên nói cho bác sĩ về các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng đang dùng. Đặc biệt là thuốc tránh thai hoặc các thuốc hormone vì chúng sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Xét nghiệm nội tiết tố nữ được thực hiện vào ngày nào trong kỳ kinh nguyệt


Hormon (nội tiết tố) sinh dục của phụ nữ không phải lúc nào cũng như nhau. Nồng độ của chúng thay đổi tùy theo ngày của chu kỳ kinh nguyệt. Vì vậy, biết được xét nghiệm nội tiết tố nữ nên thực hiện vào ngày nào giúp bạn vừa tiết kiệm được thời gian đi lại, vừa có được kết quả chính xác nhất.
Trên thực tế, xét nghiệm nội tiết tố nữ được thực hiện vào các ngày khác nhau của chu kỳ kinh nguyệt:

  • Vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 của chu kỳ kinh: Thực hiện xét nghiệm chỉ sổ FSH, LH, E2
  • Vào ngày thứ 21-22 của vòng kinh: Thực hiện xét nghiệm chỉ số progesterone (PRG).


Xét nghiệm chỉ số prolactin, testosterone và estrogen có thể thực hiện ở bất kỳ ngày nào tùy vào mục đích xét nghiệm.

Để đánh giá tình trạng buồng trứng người ta làm các xét nghiệm FSH, LH, PRL và E2 vào ngày 2 hoặc ngày 3 của chu kỳ kinh. Progesteron vào ngày 22 của chu kỳ. Tuy nhiên với những phụ nữ kinh nguyệt không đều các xét nghiệm chỉ cần làm vào ngày 2 hoặc ngày 3 của kỳ kinh là đủ. Chỉ số LH thường tăng cao vào thời điểm trước rụng trứng.

No comments