Bổ sung dưỡng chất cho bà bầu như thế nào là hợp lý

Chế độ ăn cho bà bầu trong quá trình mang thai có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi, tạo nguồn sữa mẹ và sự phát triển của trẻ sau này. Dinh dưỡng như thế nào cho đúng và cần đặc biệt chú ý bổ sung những dưỡng chất gì trong quá trình mang thai là điều các mẹ bầu quan tâm. Dưới đây là các nhóm cần thiết bổ sung dưỡng chất cho bà bầu trong giai đoạn mang thai.


Axit folic - bổ sung dưỡng chất cho bà bầu không thể thiếu trong thai kỳ


Axit folic có liên quan mật thiết đến quá trình phát triển não bộ và cột sống của thai nhi. Đây là vitamin cho bà bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ rất quan trọng.

Thậm chí, ngay từ khi có ý định mang thai và sau khi sinh 6 tháng mẹ bầu nên chú ý bổ sung axit folic. Việc thiếu hụt axit folic có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển não bộ và cột sống ở trẻ. Dị tật ống thần kinh có thể dẫn tới các bất thường về não và tủy sống gây ra dị tật bẩm sinh hoặc tử vong ở thai nhi. Việc bổ sung đầy đủ axit folic cho bà bầu 3 tháng đầu có thể hạn chế 70% nguy cơ dị tật ống thần kinh.

Người ta nhận thấy, có nhiều thực phẩm chứa axit folic như quả bơ, măng tây, lòng đỏ trứng gà, bông cải xanh, đậu tương... nhưng chúng dễ bị bay hơi và hòa tan trong nước do quá trình nấu ăn. Vì vậy, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu nên ưu tiên bổ sung axit folic dạng viên uống.

  • Phụ nữ đang chuẩn bị mang thai nên uống 400 mcg axit folic/ngày.
  • Bà bầu, đặc biệt là thai phụ mang thai 3 tháng đầu cần bổ sung 400mcg – 600mcg axit folic/ngày. Trường hợp, mẹ bầu có tiền sử mang thai sinh con bị dị tật ống thần kinh hoặc có vấn đề về tật nứt đốt sống cần bổ sung 4.000 - 5000 mcg axit folic mỗi ngày có sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Phụ nữ sau sinh nuôi con bằng sữa mẹ hàng ngày nên uống 500 mcg axit folic.

Canxi


Ở phụ nữ mang thai, canxi đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nên xương, răng và đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi. Trong suốt thai kỳ, nhu cầu canxi tăng lên:

  • Đối với 3 tháng đầu, nhu cầu canxi rơi vào khoảng 800mg/ngày
  • Giai đoạn 3 tháng giữa của thai kỳ, nhu cầu là 1.000mg/ngày
  • Vào 3 tháng cuối thai kỳ và khi nuôi con bú, lượng canxi cần thiết tăng lên đến 1.500mg/ngày.

Trong thời kỳ có thai, mặc dù cơ thể của mẹ bầu đã phân giải phần nào hợp chất canxi có trong xương và phóng thích vào máu để đáp ứng nhu cầu tăng cao nhưng sự đáp ứng này thường là chưa đủ. Trên thực tế, phụ nữ mang thai cần nhiều canxi hơn thể và nhu cầu bổ sung canxi cho bà bầu càng tăng cao khi càng về cuối kỳ mang thai. Nếu không được đáp ứng đầy đủ lượng canxi cần thiết, thai nhi không thể tránh khỏi những ảnh hưởng xấu đến sự phát triển sau này như: hiện tượng chậm phát triển, bệnh còi xương bẩm sinh, chứng khò khè, dị dạng xương,...

Trong thời kỳ cho con bú, nếu không được bổ sung canxi, sữa mẹ sẽ kém chất lượng. Khi đó, trong 100ml sữa mẹ không có đủ 34mg canxi. Trẻ sơ sinh bị thiếu canxi sẽ có các biểu hiện như dễ bị giật mình, co giật, hay quấy khóc và ngủ không yên. Những biểu hiện này ngày một rõ, thường xuất hiện sau vài ba ngày, vài tuần hay thậm chí một tháng sau khi sinh.

Bổ sung canxi cho bà bầu còn mang ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe của chính thai phụ. Khi thiếu hụt canxi, mẹ bầu thường bị tê chân, mệt mỏi, mất ngủ. Đến khi cho con bú, cơ thể mẹ suy yếu, hay đổ mồ hôi trộm, dễ bị đau lưng, mỏi vai, đau khớp. Sự thiếu hụt canxi diễn ra trường kỳ sau nhiều lần sinh nở là tiền đề gây ra hiện tượng loãng xương khi các mẹ bước vào độ tuổi mãn kinh.

Phương pháp hiệu quả nhất để bổ sung canxi cho phụ nữ mang thai chính là thông qua các loại thực phẩm tự nhiên đầy đủ dinh dưỡng. Để bổ sung canxi và các dưỡng chất tốt nhất cho em bé thì nên cho bé bú sữa mẹ. Canxi có nhiều trong sữa và các chế phẩm từ sữa

Canxi có thể được cung cấp thông qua bữa ăn hàng ngày với một số loại thực phẩm như: Các món hải sản (gồm tôm, cua, sò, cá), các loại rau (gồm rau diếp, bắp cải, cải xoăn, cần tây).

Việc bổ sung canxi cho bà bầu thông qua chế độ ăn uống hợp lý với các loại thực phẩm giàu canxi từ tự nhiên như: cá, tôm, sữa bò tươi, sữa chua và các chế phẩm từ sữa, đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành, rau muống, rau dền,... được Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến khích đối với tất cả mọi người nói chung, đặc biệt là phụ nữ mang thai.

Sắt


Nhu cầu sắt của bà bầu theo khuyến cáo là 60mg sắt nguyên tố trên ngày trong suốt quá trình mang thai và sau sinh một tháng. Nếu chế độ ăn mẹ bầu không cung cấp đủ sắt dẫn tới thiếu sắt.

Ảnh hưởng của việc thiếu sắt:

  • Đối với mẹ: Gây thiếu máu hồng cầu nhỏ ở mẹ, nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, tai biến sản khoa (Băng huyết sau sinh, nhiễm khuẩn sau sinh...)
  • Đối với bé: Bé nhẹ cân, giảm phát triển trí tuệ, thiếu máu sau sinh.

Thông thường trước khi mang thai một người người phụ nữ cần tối thiểu 15mg/ngày.
Đến khi có thai, cơ thể sẽ cần một lượng sắt gấp đôi tức là khoảng 30mg/ngày. Trong trường hợp không cung cấp đủ, bà bầu sẽ mắc chứng thiếu máu, ảnh hưởng tới sức khỏe của cả thai nhi.

Theo như Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo, phụ nữ lần đầu tiên phát hiện có thai nên sử dụng viên sắt mỗi ngày, uống kéo dài tới sau khi sinh một tháng. Liều bổ sung là 60mg sắt kèm theo acid folic 400mcg mỗi ngày. Ngoài ra cũng nên sử dụng các thực phẩm có tăng cường sắt, acid folic cho phụ nữ mang thai.

Nguồn bổ sung sắt an toàn và phong phú nhất cho các bà bầu chính là những loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Sắt có nhiều trong các loại thịt có màu đỏ như tim, gan, thịt gia cầm, cá, nghêu, hàu, lòng đỏ trứng; các loại đậu, ngũ cốc, các loại rau có lá xanh đậm, bông cải, bí ngô, và trái cây khô. Trong đó nguồn gốc động vật được coi là nguồn hấp thu sắt tốt hơn so với thực vật. Ở một người bình thường hấp thu có thể hấp thu được 10 - 15% sắt từ động vật con số này chỉ còn là 5 - 10% sắt ở thực vật.

Ngoài việc bổ sung chất sắt thì các bà mẹ cũng nên lưu ý bổ sung thêm các chất khác như Folate và dạng acid folic tổng hợp của nó, Vitamin B-12,... bởi các chất này cũng tham gia vào quá trình tạo máu

Thực tế hiện nay việc bổ sung sắt gặp khá nhiều khó khăn, vì thế ngoài việc bổ sung sắt qua những thực phẩm hàng ngày thì các bà bầu cũng nên sử dụng các loại thuốc giúp bổ sung sắt.

Iod


Vai trò của Iod:
  • Iod là thành phần cấu tạo hormon tuyến giáp – một hormon vô cùng quan trọng đối với sự chuyển hóa và dẫn truyền các tín hiệu thần kinh. Bà mẹ mang thai thiếu hụt iod có thể khiến Gây sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, đẻ non.
  • Khi thiếu nặng trẻ có thể bị đần độn với tổn thương não vĩnh viễn.
  • Trẻ sơ sinh có thể bị khuyết tật bẩm sinh như nói ngọng, câm, điếc, liệt tay hoặc chân.

Nghiên cứu trên trẻ 9 tuổi cũng cho thấy nhóm trẻ có mẹ bổ sung đủ iod khi mang thai thì khả năng học tập (đánh vần, ngữ pháp, đọc, viết, làm toán) tốt hơn so với nhóm trẻ có mẹ bị thiếu iod.

Tuy iod đóng vai trò quan trọng là vậy nhưng các bậc cha mẹ thường không để tâm và chỉ bổ sung những thuốc cho bà bầu có những thành phần khác như DHA, EPA, axit folic, sắt… Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, mức bổ sung iốt hàng ngày được đề xuất cho phụ nữ mang thai là 220mcg. Nếu không hấp thụ đủ lượng iốt cần thiết mỗi ngày, bạn có thể bù đắp lại bằng cách ăn những thực phẩm giàu iốt hoặc những loại thuốc bổ sung dưới sự chỉ định của bác sĩ.

Iốt có mặt ở các loại thực phẩm như sữa, rau, hải sản và trứng. Lượng iốt trong những món ăn này có thể phụ thuộc vào lượng iốt trong đất hoặc nước của vùng thu hoạch sản phẩm.

Kẽm


Kẽm giúp là tăng sản sinh tế bào, từ trong giai đoạn bào thai đến quá trình phát triển của trẻ về sau. Bà mẹ mang thai cần bổ sung kẽm để trẻ có thể phát triển bình thường bởi trong quá trình sinh học của cơ thể, kẽm có cấu trúc của tế bào 80 loại enzyme bao gồm các enzyme trong hệ thống vận chuyển, thủy phân, đồng hóa, xúc tác phản ứng gắn keetscacs chuỗi AND, đồng thời xúc tác các phản ứng sinh năng lượng khác.

Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm sẽ phát sinh các biểu hiện bất thường hay các bệnh lý do thiếu kẽm.

Nhu cầu kẽm cho mẹ bầu là 15mg/ ngày, chế độ ăn cho bà bầu nếu không cung cấp đủ kẽm, thiếu kẽm có thể dẫn đến:
  • Sảy thai
  • Thai chết lưu
  • Sinh non hoặc thai bị già tháng

Tăng khả năng hấp thụ kẽm nhờ tăng cường thực phẩm có nhiều vitamin C như rau xanh, hoa quả, chế biến như nảy mầm giá đỗ, lên men dưa chua làm tăng cường hàm lượng vitamin C, giảm axit axit phytic trong thực phẩm do vậy làm tăng hấp thu sắt/ kẽm từ khẩu phần.

Sử dụng các thực phẩm giàu kẽm như thức ăn từ động vật như cua bể, thịt bò, tôm, thịt, cá...
Sử dụng thực phẩm bổ sung kẽm tại cộng đồng như hạt nêm bổ sung kẽm, bánh quy bổ sung kẽm, bột mì bổ sung kẽm, mì tôm bổ sung kẽm, bột dinh dưỡng, sữa, cốm bổ sung kẽm...) trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.

Bổ sung đầy đủ các loại vitamin cần thiết


Vitamin A


Thiếu vitamin A dẫn đến tăng tỉ lệ nhiễm khuẩn, ảnh hưởng tới thị giác, gây khô mắt. Nhu cầu vitamin A cho phụ nữ mang thai là 600mcg/ngày.Nguồn cung cấp vitamin A từ các thực phẩm tự nhiên như trứng, sữa, gan... Ngoài ra nguồn cung cấp caroten (Tiền chất của vitamin A khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A) bao gồm các loại rau xanh, rau dền, các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ (Cà rốt, gấc, bí đỏ...). Chế độ ăn cho bà bầu nếu đa dạng, dinh dưỡng tốt không cần bổ sung thêm vitamin A. Tránh bổ sung nhiều vitamin A có thể gây dị dạng thai nhi.

Vitamin D


Loại vitamin cần thiết cho quá trình hấp thu canxi, phospho. Nhu cầu vitamin D cho bà bầu là 800UI/ ngày.
Thiếu vitamin D gây giảm hấp thu canxi và phospho trẻ có thể bị còi xương ngay trong bụng mẹ.
Phụ nữ có thai có thể tăng cường lượng vitamin D bằng cách tắm nắng, ăn các thực phẩm giàu vitamin D như cá, bơ, trứng, sữa. Tuy nhiên nguồn cung cấp vitamin D từ thực phẩm khá nghèo nàn và khó hấp thu nên bà bầu có thể bổ sung bằng cách uống viên bổ sung vitamin D.

Vitamin B1


Vitamin B1 cần thiết cho quá trình chuyển hóa glucid, phòng chống bệnh beriberi (bệnh tê phù), nhu cầu cho cơ thể là khoảng 1,1mg/ ngày.
Chế độ ăn cho mẹ bầu nên bổ sung thêm các thực phẩm chứa nhiều vitamin B1 như: Ăn gạo không giã trắng quá, các hạt họ đậu...

Vitamin B12


Vitamin B12 rất quan trọng đối với sự hình thành các vật chất di truyền, hồng cầu và giữ vai trò thiết yếu trong việc hình thành và củng cố hoạt động của hệ thần kinh. Nói cách khác, vitamin B12 rất cần thiết để hình thành một em bé khỏe mạnh. Vitamin B12 phối hợp cùng axit folic (folate) có thể giúp bào thai phát triển bình thường. Thiếu hụt vitamin B12 có thể khiến bé mắc phải bệnh ống thần kinh bị khuyết tật, rối loạn hệ tiêu hóa hoặc rối loạn thần kinh và gây mệt mỏi cho bà mẹ mang thai.

Lượng dùng vitamin B12 khuyến cáo cho phụ nữ mang thai là 2,6 microgram. Nguồn bổ sung vitamin B12 tự nhiên bao gồm các sản phẩm từ động vật như thịt, trứng, sản phẩm sữa và cá. Nếu bạn là một người ăn chay, bạn có thể bổ sung vitamin B12 từ các loại thực phẩm như nấm men dinh dưỡng hoặc sữa đậu nành.

Vitamin C


Vai trò của vitamin C: Tham gia vào quá trình tạo kháng thể tăng sức đề kháng của cơ thể, làm tăng hấp thu sắt, góp phần làm giảm thiểu thiếu máu do thiếu sắt. Nhu cầu vitamin C cho phụ nữ có thai là 80mg/ngày và phụ nữ cho con bú là 100mg/ ngày.

Vitamin C có nhiều trong quả chín, các loại quả như bưởi, cam, chanh, ổi, xoài... rau xanh. Ngoài ra mẹ có thể bổ sung thêm viên uống tổng hợp có chứa vitamin C.

Chế độ ăn uống cho mẹ bầu là rất quan trọng ảnh hưởng tới thế hệ sau này. Vì vậy mẹ bầu cần chú ý cung cấp đủ những nhóm dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển thai nhi một cách hoàn thiện nhất.

No comments