Đẻ non: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Đẻ non là cuộc chuyển dạ từ tuần 22 đến hết tuần thứ 36 của thai kỳ. Trẻ sinh thiếu tháng có tỷ lệ tử vong và mắc bệnh cao hơn trẻ sinh đủ tháng. Vì vậy, dự phòng và điều trị đẻ non - dọa đẻ non là một vấn đề cần được quan tâm.

Tầm quan trọng đối với cộng đồng


Đẻ non nguy hiểm cho trẻ sơ sinh, tỷ lệ tử vong chu sinh càng cao khi tuổi thai càng non. Đặc biệt, trẻ đẻ non có nguy cơ cao về di chứng thần kinh. Trước 32 tuần tỷ lệ di chứng là 1/3. Từ 32- 35 tuần tỷ lệ di chứng thần kinh là 1/5. Từ 35 đến 37 tuần tỷ lệ di chứng là 1/10.

Chăm sóc một trường hợp đẻ non rất tốn kém. Ngoài ra khi lớn lên trẻ còn có những di chứng về tâm thần kinh, là gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội.

Mẹ bị đẻ non thì cũng dễ biến chứng sót rau, nhiễm khuẩn hậu sản.
Do đó đẻ non là một trong những vấn đề quan trọng đặt ra cho các thầy thuốc và xã hội.

dau-hieu-de-non

Nguyên nhân đẻ non


Có khoảng 50% đẻ non không xác định rõ lý do.
Sau đây là một số nguyên nhân và yếu tố thuận lợi:

Yếu tố xã hội 

  • Đời sống kinh tế xã hội thấp, không được chăm sóc trước sinh đầy đủ.
  • Cân nặng của mẹ thấp và/hoặc tăng cân kém.
  • Lao động vất vả trong lúc mang thai.
  • Tuổi mẹ dưới 20 hoặc con so lớn tuổi trên 35 tuổi.
  • Mẹ nghiện thuốc lá, rượu hay các chất cocain.

Nguyên nhân đẻ non do mẹ


Nguyên nhân do bệnh lý toàn thân:

  • Các bệnh lý nhiễm trùng: nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng nặng do vi khuẩn, virus.
  • Các chấn thương trong thai nghén: Chấn thương trực tiếp vào vùng bụng hoặc gián tiếp do phẫu thuật  vùng bụng.
  • Nghề nghiệp: các nghề tiếp xúc với hoá chất độc, lao động nặng, căng thẳng.
  • Bệnh toàn thân của mẹ: bệnh tim, bệnh gan, bệnh thân, thiếu máu.  
  • Rối loạn cao huyết do thai: Tiền sản giật - sản giật ( 9%).
  • Miễn dịch: Hội chứng kháng thể kháng Phospholipid.

Nguyên nhân tại chỗ:

  • Tử cung dị dạng bẩm sinh: chiếm 5% trong đẻ non. Nếu có nguyên nhân này thì nguy cơ đẻ non là 40%. Các dị dạng thường gặp: tử cung hai sừng, một sừng, tử cung kém phát triển, vách ngăn tử cung.
  • Bất thường mắc phải ở tử cung: Dính buồng tử cung, u xơ tử cung, tử cung có sẹo.
  • Hở eo tử cung: 100% đẻ non nếu không được điều trị.
  • Các can thiệp phẫu thuật tại cổ tử cung như khoét chóp.
  • Viêm nhiễm âm đạo - cổ tử cung.

Nguyên nhân đẻ non do thai và phần phụ của thai

nguyen-nhan-de-non

  • Ối vỡ non, ối vỡ sớm: 10% đủ tháng và 30% đẻ non, có nguy cơ nhiễm trùng cho thai.
  • Nhiễm trùng ối.
  • Đa thai: 10- 20% đẻ non.
  • Đa ối: do tử cung quá căng gây chuyển dạ sớm.
  • Rau tiền đạo: 10% trong các trường hợp đẻ non vì gây chảy máu trước đẻ hoặc ối vỡ.
  • Rau bong non.

Tóm lại muốn tìm hiểu nguyên nhân về đẻ non, ta phải xem xét lại toàn bộ bệnh lý sản phụ khoa, có những nguyên nhân về phía mẹ, về phía thai, và phần phụ của thai, có những nguyên nhân phối hợp.

Các dấu hiệu dọa sinh non và sinh non

Dấu hiệu dọa đẻ non

  • Triệu chứng cơ năng: Đau bụng có tính chất từng cơn, tức nặng bụng dưới, đau lưng; ra dịch âm đạo màu hồng hoặc dịch nhầy.
  • Triệu chứng thực thể: Cơn co tử cung với tần suất 2 cơn/ 10 phút, thời gian co cứng dưới 30 giây; cổ tử cung đóng hoặc mở dưới 2cm

Dấu hiệu đẻ non

  • Triệu chứng cơ năng: Đau bụng từng cơn, tính chất đều đặn và tăng dần; ra dịch âm đạo, dịch nhầy, máu và nước ối.
  • Triệu chứng thực thể: Cơn co tử cung có tính chất dày hơn từ 2 - 3 lần/phút, và tăng dần theo thời gian; cổ tử cung mở trên 2cm; thành lập đầu ối và vỡ ối.

Hậu quả của việc sinh non trên trẻ sơ sinh

  • Trẻ bị nhẹ cân.
  • Phổi trẻ chưa hoàn thiện nên dễ bị suy hô hấp và tử vong. Nếu sống được trẻ cũng dễ mắc các bệnh đường hô hấp về sau như viêm phổi, viêm phế quản...
  • Trẻ dễ mắc các khuyết tật bẩm sinh như tim bẩm sinh, mù, điếc, câm...Ngoài ra, khi lớn lên trẻ thường bị những di chứng thần kinh rõ rệt hoặc tiềm tàng, từ đó trở thành gánh nặng về tâm lý và tài chính cho gia đình.

Điều trị dọa đẻ non như thế nào?

dieu-tri-doa-de-non


Khi bạn đến bệnh viện với các triệu chứng dọa đẻ non, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn dùng các loại thuốc giảm và cắt cơn co tử cung, tuy nhiên trong các trường hợp không thể cắt được cơn co, bắt buộc bạn phải sinh non.

Xử lý khi ức chế chuyển dạ không thành công

  • Bảo vệ ối đến khi cổ tử cung mở hết, hạn chế sử dụng oxytoxin, cắt tầng sinh môn rộng ra, mổ lấy thai nếu có chỉ định.
  • Dự phòng nhiễm khuẩn, sót rau, chảy máu sau sinh
  • Hồi sức cho mẹ và chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng

Bạn cần làm gì khi có dấu hiệu dọa sinh non?

  • Khi có một trong những dấu hiệu trên, bạn phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn chữa trị.
  • Tại bệnh viện, hoặc điều trị ngoại trú bạn cần phải nghỉ ngơi tuyệt đối để tử cung bớt gò
  • Ngoài ra, bác sỹ sẽ cho bạn dùng thuốc để giảm cơn gò tử cung, có thể dùng thêm  thuốc để trưởng thành phổi cho thai ( tùy theo tuổi thai lúc đó)
  • chế độ ăn uống phải hợp vệ sinh, đầy đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, tránh táo bón, không quan hệ tình dục và không kích thích đầu vú

Bạn cần phải làm gì để dự phòng sinh non?

  • Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ
  • Tập thể dục nhẹ nhàng,tuy nhiên cần tránh sự luyện tập quá sức trong lúc mang thai, nhất là với những thai phụ có nguy cơ cao
  • Không hút thuốc lá hay uống rượu
  • Đối với thai kỳ có nguy cơ sinh non cần kiêng giao hợp và kích thích đầu vú vì cơn gò tử cung thường xuất hiện sau khoái cảm.
  • Khi có dấu hiệu chuyển dạ sinh non, cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời
  • Khi có khí hư âm đạo cần phải đi khám và điều trị thích hợp vì đây cố thể là nguyên nhân của sinh non và ối vỡ sớm. 

No comments