Hướng dẫn đọc kết quả xét nghiệm Progesterone

Xét nghiệm Progesterone là hormone sinh dục nữ, được sản xuất từ buồng trứng, nhau thai và tuyến thượng thận, hormone này được tiết ra chủ yếu ở nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt và trong thai kì. Đây là một trong những loại hormon kích thích và điều hòa hoạt động của cơ thể phụ nữ. 

Tổng quan về xét nghiệm Progesterone


xet-nghiem-Progesterone

Progesterone được sản xuất chủ yếu ở thể vàng (corpus luteum) của buồng trứng ở phụ nữ và được sản xuất với lượng ít hơn ở vùng vỏ tuyến thượng thận.  Ở tuần thứ 6 của thai kỳ, bánh nhau trở thành nơi sản xuất progesterone là chủ yếu.

Chức năng chính của progesterone là giúp cho tử cung chuẩn bị cho sự làm tổ của trứng và giữ thai trong giai đoạn thai kỳ.

Kể từ khi bắt đầu dậy thì, mỗi tháng buồng trứng sẽ giải phóng một quả trứng. Nếu thụ tinh không xảy ra, hoàng thể - một tuyến nội tiết có nhiệm vụ sản xuất hormone, trong đó có progesterone - bị phá vỡ, dẫn tới nồng độ progesterone giảm đi, đến một mức độ nào đó sẽ không còn đủ để duy trì lớp niêm mạc tử cung khiến chúng vỡ ra và tạo thành kinh nguyệt.

Nếu thụ tinh xảy ra, progesterone sẽ tiếp tục làm dày thêm lớp niêm mạc tử cung, kích thích các tuyến tiết ra chất dinh dưỡng để nuôi trứng, duy trì thai kỳ.

Vai trò của hormone progesterone với cơ thể


Progesterone có vai trò quan trọng điều hoà kinh nguyệt ở phụ nữ, giúp tử cung luôn sẵn sàng mang thai và cần thiết cho quá trình tạo sữa:

  • Điều hoà chu kì kinh nguyệt: Progesterone cùng với một hormone sinh dục nữ khác là estrogen tạo nên chu kỳ kinh nguyệt của một người phụ nữ.
  • Trong giai đoạn rụng trứng (nửa sau chu kỳ kinh nguyệt), thân nhiệt của người phụ nữ thường tăng từ 0.5-1 độ C do tác dụng của progesterone.
  • Ở phụ nữ mang thai, progesterone còn được coi là một hormone an thai do có tác dụng ngăn chặn các cơn co tử cung, giúp cổ tử cung của người mẹ luôn đóng kín.
  • Ảnh hưởng đến quá trình làm tổ của trứng: Sau khi được thụ tinh, trứng bắt đầu di chuyển vào trong tử cung để bắt đầu quá trình làm tổ. Trước đó, progesterone đã giúp niêm mạc tử cung phát triển, dày hơn để tạo điều kiện tốt nhất đón trứng.
  • Sau khi thụ thai, progesterone còn được sản xuất ở nhau thai và duy trì nồng độ cao trong suốt thai kỳ, ngăn ngừa đẻ non, bảo vệ thai nhi phát triển bình thường.
  • Progesterone còn có tác dụng tăng huyết động mạch và glycogen trong niêm mạc tử cung để đảm bảo chất dinh dưỡng cho thai nhi.
  • Hỗ trợ tuyến vú phát triển trong suốt thai kỳ, có vai trò trong quá trình tạo sữa sau sinh.
  • Tạo nút nhầy cổ tử cung người mẹ để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn.

Ở cơ thể nam giới cũng có một lượng nhỏ progesterone đóng vai trò trong sự phát triển của tinh trùng.


xet-nghiem-Progesterone-khi-nao

Chỉ định xét nghiệm progesterone khi nào?


Xét nghiệm Progesterone có thể được chỉ định khi phụ nữ gặp rắc rối khi mang thai hay vấn đề về kinh nguyệt. Kết quả định lượng Progesterone trong máu sẽ giúp bác sỹ biết được bạn có dấu hiệu rụng trứng không, có bất thường gì về chu kỳ rụng trứng không. Các vấn đề này góp phần chẩn đoán và quản lý vấn đề sinh đẻ tiềm tàng.

Nồng độ Progesterone thay đổi suốt chu kỳ kinh nguyệt, cũng như cả quãng thời gian mang thai. Những người có nồng độ Progesterone quá thấp có thể do chức năng buồng trứng kém, mãn kinh, sau mãn kinh.

Xét nghiệm Progesterone được chỉ định nhiều nhất với các mẹ bầu, như một liệu pháp kiểm tra sức khỏe mẹ bầu và thai nhi.

Xét nghiệm progesterone được thực hiện để:

  • Giúp tìm ra nguyên nhân vô sinh.
  • Theo dõi sự thành công của thuốc điều trị vô sinh hoặc hiệu quả điều trị bằng progesterone.
  • Giúp xác định xem có rụng trứng hay không.
  • Đánh giá nguy cơ sảy thai.
  • Theo dõi chức năng của buồng trứng và nhau thai trong thai kỳ.
  • Giúp chẩn đoán các vấn đề với tuyến thượng thận và một số loại ung thư.

Ý nghĩa lâm sàng kết quả xét nghiệm


Xét nghiệm progesterone đo lượng hormone progesterone trong mẫu máu.
Kết quả thường có sẵn trong vòng 24 giờ.

Mức progesterone bình thường trong chu kỳ kinh nguyệt

  • Ngày 1 - 14: Ít hơn 1 nanogram trên mililit (ng / mL) hoặc 0,5 - 2.3 nanomole mỗi lít (nmol / L).
  • Ngày 15 - 28: 2 - 25 ng / mL hoặc 6,4 - 79,5nmol / L.

Mức progesterone bình thường trong mang thai

  • Tam cá nguyệt thứ nhất: 10 - 44 ng / mL hoặc 32.6 - 140nmol / L.
  • Tam cá nguyệt thứ hai: 19,5 - 82,5 ng / mL hoặc 62 - 262nmol / L.
  • Tam cá nguyệt thứ 3: 65 - 290 ng / mL hoặc 206,7 - 728nmol / L.

Mức progesterone bình thường ở nam

  • Bình thường: Ít hơn 1 ng / mL hoặc dưới 3,2nmol / L.

Mức progesterone sau mãn kinh

xet-nghiem-Progesterone-la-gi

  • Bình thường: Nhỏ hơn 1,0 ng / mL hoặc dưới 2nmol / L.

Nhiều vấn đề có thể thay đổi mức progesterone. Bác sĩ sẽ thảo luận về bất kỳ kết quả bất thường đáng kể nào với liên quan đến các triệu chứng và sức khỏe trong quá khứ.

Nồng độ progesterone cao


Giá trị progesterone cao có thể được gây ra bởi:

  • Thai kỳ.
  • Chửa trứng .
  • Sự sản xuất quá mức của hormone bởi tuyến thượng thận.
  • U nang buồng trứng;
  • Mang thai không thành công;
  • Một dạng ung thư buồng trứng;
  • Ung thư tuyến thượng thận;
  • Tăng sản thượng thận bẩm sinh (CAH).

Nồng độ Progesterone thấp 


Hormone progesterone rất quan trọng với phụ nữ trong thời kỳ sinh nở. Nồng độ progesterone thấp đồng nghĩa với việc bạn sẽ gặp một số khó khăn khi mang thai. Cụ thể:

  • Khi hiện tượng rụng trứng xảy ra, nồng độ progesterone tăng lên giúp làm dày thành tử cung, sẵn sàng cho trứng làm tổ. Nếu thiếu progesterone, lớp niêm mạc không đủ dày, trứng sẽ không thể làm tổ và thai kỳ không xảy ra;
  • Phụ nữ mang thai vẫn cần progesterone để duy trì lớp niêm mạc tử cung cho tới khi em bé chào đời. Cơ thể sẽ tiếp tục sản xuất hormone này và gây ra các triệu chứng bình thường của thai kỳ như đau ngực và buồn nôn. Nếu nồng độ progesterone quá thấp, tử cung có thể không đủ khả năng để duy trì sự phát triển của thai;
  • Thiếu hụt progesterone có thể tiềm ẩn nguy cơ sản phụ bị thai ngoài tử cung, dẫn tới sảy thai hoặc thai chết lưu;
  • Không có progesterone để bổ sung thì estrogen có thể trở thành hormone chủ đạo, gây ra các triệu chứng như: Tăng cân; Giảm ham muốn tình dục; Trầm cảm; Hội chứng tiền kinh nguyệt, chu kỳ kinh nguyệt không đều, máu kinh ra nhiều; Xơ nang tuyến vú; Vấn đề về túi mật.

Progesterone thấp ở nam giới 


Với nam giới, nồng độ Progesterone thấp gây ra:

  • Giảm ham muốn tình dục;
  • Rụng tóc, tăng cân, mệt mỏi
  • Gynecomastia (bệnh vú to ở nam giới);
  • Rối loạn cương dương;
  • Bất lực;
  • Mất xương, mất cơ bắp

Nam giới có nồng độ progesterone thấp sẽ có các nguy cơ cao bị những bệnh sau:

  • Loãng xương;
  • Viêm khớp;
  • Ung thư tuyến tiền liệt;
  • Tắc nghẽn cổ bàng quang.
  • Nồng độ progesterone ở nam giới sẽ bắt đầu suy giảm khi nam giới già đi.

Cần làm xét nghiệm Progesterone với cả nam và nữ để đánh giá tình trạng sức khỏe

No comments