Kết quả xét nghiệm Hormone Prolactin có ý nghĩa gì?

Prolactin được tổng hợp ở thùy trước tuyến yên và được tiết theo từng giai đoạn. Tăng prolactin huyết (ở nam và nữ giới) là nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn khả năng sinh sản. Xét nghiệm hormone prolactin được sử dụng trong chẩn đoán những chu kỳ không rụng trứng, tình trạng vô kinh do tăng prolactin huyết và tăng tiết sữa, chứng vú to ở nam giới và vô tinh trùng. Định lượng prolactin cũng cần thiết khi có nghi ngờ ung thư vú và khối u ở tuyến yên.

Xét nghiệm Hormone Prolactin là gì?


xet-nghiem-Hormone-Prolactin

Prolactin (PRL) hay còn gọi là luteotropic hormon hoặc luteotropin, đó là một loại protein có vai trò quan trọng trong việc sản xuất và tiết sữa. Prolactin được nhà bác học Oscar Riddle tìm thấy ở động vật vào năm 1930, sau đó đến năm 1970 thì được xác nhận trên người bởi Henry Friesen.

Prolactin được sản xuất ra từ thùy trước của tuyến yên và tiết theo từng giai đoạn nhằm đáp ứng các vấn đề về ăn uống, giao hợp, điều trị liên quan đến estrogen, quá trình rụng trứng và vai trò quan trọng nhất là kích thích sản xuất sữa.

Sự tiết prolactin của tuyến yên được điều hòa bởi các tế bào thần kinh của tuyến nội tiết ở vùng dưới đồi:

  • Tế bào thần kinh TIDA: Là tế bào quan trọng nhất của hạt hạnh nhân vòng cung tiết ra dopamine (hormone ức chế sự sản sinh prolactin) tác động lên thụ thể D2 của lactotrophs gây ức chế tiết prolactin.
  • Hormone giải phóng thyrotropin giúp kích thích giải phóng prolactin. Prolactin có trọng lượng phân tử khoảng 22 - 23 kD. được cấu tạo bởi 198 loại acid amin khác nhau. Trong huyết thanh, prolactin tồn tại dưới 3 dạng khác nhau:
  • Dạng đơn phân: Chiếm 80%, là dạng có hoạt tính sinh học và khả năng miễn dịch.
  • Dạng nhị phân: Chiếm 5 - 20%, dạng này không có hoạt tính sinh học.
  • Dạng tứ phân: Chiếm 0,5 - 5%, là dạng có hoạt tính sinh học thấp.

khi-nao-can-xet-nghiem-Hormone-Prolactin

Chỉ số Prolactin bình thường

  • Prolactin có cả ở nam giới và nữ giới, thường tăng cao ở phụ nữ mang thai và cho con bú.
  • Chỉ số prolactin ở nam giới: 2 - 18 ng/ml.
  • Nữ giới: Ở người không mang thai là 2 - 29ng/ml, ở phụ nữ có thai và cho con bú là 10 - 209 ng/ml.

Vai trò của xét nghiệm hormone Prolactin


Prolactin đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, điều hòa hệ miễn dịch và liên quan trực tiếp đến sự phát triển của tuyến tụy. Prolactin hoạt động theo cơ chế tương tự như cytokine, giữ vai trò quan trọng trong:

  • Điều hòa hệ thống miễn dịch và quá trình trao đổi chất của cơ thể.
  • Liên quan đến quá trình sinh trưởng của tế bào.
  • Ảnh hưởng đến quá trình biệt hóa tế bào.
  • Chống lại sự chết có chu trình của tế bào.
  • Prolactin có ảnh hưởng sâu sắc đến sự tạo máu, sinh tăng sinh mạch máu, đồng thời tham gia cả vào quá trình đông máu.

Cơ quan đích của prolactin là tuyến vú với vai trò thúc đẩy sự phát triển của tuyến vú đồng thời biệt hóa tuyến vú, kích thích tuyến vú tiết sữa sau khi sinh con rồi kết hợp với oxytocin để đẩy sữa ra ngoài. Một số trường hợp sau sinh không có đủ sữa cho con bú cũng có thể do bị suy giảm prolactin sau sinh gây ra.

Trong hệ sinh sục, prolactin còn được gọi là kích tố dưỡng thể vàng. Nó liên quan trực tiếp đến quá trình rụng trứng để hình thành kinh nguyệt và tạo điều kiện thụ thai. Nồng độ prolactin máu tỉ lệ nghịch với nồng độ estrogen máu. Khi nồng độ prolactin tăng cao sẽ làm giảm lượng estrogen. Điều này đồng nghĩa với việc cản trở quá trình estrogen tác động âm tính ngược lên trục dưới đồi - tuyến yên để tăng tiết LH. Khi hormone LH không được sản xuất, không có yếu tố kích thích rụng trứng dẫn đến vô kinh, tắt kinh và khó thụ thai, vô sinh hiếm muộn.

Trên lâm sàng, người ta dựa vào kết quả xét nghiệm prolactin máu để hỗ trợ việc chẩn đoán và điều trị. Chỉ số prolactin máu có thể giúp đánh giá:

  • Đánh giá chức năng tuyến yên hay các bệnh lý của tuyến yên.
  • Chẩn đoán nguyên nhân của các vấn đề của hệ sinh dục ở cả nam giới như vô sinh, vô kinh, rối loạn kinh nguyệt, xuất tinh sớm, rối loạn cương dương,...
  • Giúp chẩn đoán và hỗ trợ điều trị các khối u như u tuyến vú, u tuyến yên hay các khối u tăng sản xuất prolactin...

Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm Hormone prolactin máu trong chẩn đoán


Định lượng prolactin rất quan trọng trong định hướng chẩn đoán các vấn đề bất thường của hệ sinh dục. Kết hợp với một số các xét nghiệm về nội tiết tố khác với prolactin để có thể:

  • Xác định nguyên nhân gây ra tình trạng sản xuất sữa mẹ khi không mang thai hoặc không cho con bú.
  • Chẩn đoán nguyên nhân của một số trường hợp vô sinh hay rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới như: Chu kỳ kinh không rụng trứng, tình trạng vô kinh do tăng prolactin máu.
  • Chẩn đoán nguyên nhân của vô sinh hay tình trạng vô tinh, các rối loạn cương dương, chứng vú to ở nam giới...
  • Định lượng hormone prolactin cũng rất cần thiết khi có nghi ngờ về bệnh lý của tuyến yên như sự xuất hiện tái phát của khối u tuyến yên do quá sản prolactin ở cả nam và nữ giới.
  • Giúp đánh giá chức năng của thùy trước tuyến yên hoặc các rối loạn tuyến yên khác.

xet-nghiem-Hormone-Prolactin-khi-nao-erapharmacy

Các trường hợp cần xét nghiệm prolactin máu


Chỉ định xét nghiệm prolactin ở mỗi giới là khác nhau tùy theo mục đích và tình trạng của mỗi người. Mục đích chung của xét nghiệm prolactin máu nhằm:

  • Xác định các trường hợp khối u sản xuất thừa prolactin, theo dõi, đánh giá tiến triển cũng như đáp ứng của khối u với các phương pháp điều trị.
  • Loại trừ các bệnh lý tuyến yên hay vùng dưới đồi qua kết hợp xét nghiệm prolactin với xét nghiệm một số hormone khác như hormone tăng trưởng GH...
  • Theo dõi tình trạng bệnh nhân đang điều trị bằng một số thuốc có thể ảnh hưởng đến sự sản xuất dopamine (hormone ức chế sản sinh prolactin).
  • Kiểm tra các rối loạn sinh dục ở cả nam và nữ giới. Nữ giới: rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, rối loạn trong tiết sữa... Nam giới: Rối loạn cương dương, chứng vú to nam giới, vô tinh...
  • Trong các trường hợp thụ tinh ống nghiệm, xét nghiệm prolactin là một trong những chỉ định quan trọng do Prolactin liên quan trực tiếp đến quá trình rụng trứng qua việc ức chế sản xuất FSH (hormone kích thích nang trứng chín) và LH (hormone kích thích gây rụng trứng).

Mặt khác prolactin cũng là một trong số các nguyên nhân gây nên tình trạng vô tinh ở nam giới. Thụ tinh ống nghiệm có thể tiến hành không, kết quả thành công ra sao được quyết định 90% bởi trứng và tinh trùng. Lúc này, nồng độ prolactin trong huyết thành là yếu tố giữ vai trò quan trọng trong quá trình thụ tinh.

Xét nghiệm prolactin ở nữ giới


Chỉ định xét nghiệm prolactin ở nữ giới khi có các biểu hiện lâm sàng sau:

  • Đau đầu thường xuyên không rõ nguyên nhân.
  • Biểu hiện suy giảm thị lực, nhìn kém, nhìn mờ.
  • Đột nhiên có dấu hiệu tiết sữa không liên quan đến việc sinh con hay cho con bú.
  • Rối loạn kinh nguyệt kéo dài, ngắn hay dài chu kỳ kinh, kinh không đều.
  • Đang có kinh nguyệt bình thường và ổn định, chưa đến thời kỳ tiền mãn kinh nhưng tự nhiên bị mất kinh không rõ nguyên nhân, không phải mang thai.
  • Các trường hợp vô sinh cũng được chỉ định làm xét nghiệm prolactin để xác định nguyên nhân gây vô sinh.
  • Bệnh nhân có biểu hiện suy giáp.

Xét nghiệm prolactin ở nam giới

  • Đau đầu thường xuyên nhưng không rõ nguyên nhân.
  • Có hiện tượng suy giảm thị lực.
  • Rối loạn cương dương, xuất tinh sớm.
  • Trường hợp tinh dịch loãng, vô tinh, vô sinh cũng có chỉ định xét nghiệm prolactin để loại trừ nguyên nhân.
  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Có hiện tượng chảy sữa ở nam giới.
  • Tuyến vú phát triển bất thường về kích thước và hình thể.

Kết quả xét nghiệm cao hơn chỉ số prolactin tiêu chuẩn


Khi kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số prolactin trong cơ thể cao hơn so với các ngưỡng chỉ số trên thì có nghĩa là bạn đang có prolactin cao. Đối với nam giới, chỉ số prolactin cao không gây ảnh hưởng đến sinh sản nhưng ngược lại, ở phụ nữ thì điều này có thể dẫn đến tình trạng vô sinh hiếm muộn do hàm lượng prolactin quá cao sẽ không gây kích thích rụng trứng.

Prolactin máu cao có thể gặp trong các trường hợp bệnh lý sau:

Bệnh lý của hệ sinh dục:

  • Vô sinh nữ giới.
  • Bệnh nhân bị rối loạn kinh nguyệt hoặc vô kinh.
  • Bệnh nhân bị hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Bệnh nhân bị giảm estrogen máu.
  • Chứng vú to ở nam giới
  • Nam giới bị rối loạn cương dương, xuất tinh sớm...

Các bệnh lý ngoài sinh dục:

  • Bệnh nhân bị u tuyến yên, thường là các khối u nhỏ kích thước trên dưới 1cm. Kết hợp chụp x-quang và MRI sọ não để xác định tình trạng cũng như kích thước của khối u.
  • Bệnh nhân bị suy giáp hay có bệnh lý vùng dưới đồi, bệnh lý về thận, gan...
  • Bệnh nhân bị căng thẳng stress kéo dài.
  • Sau chấn thương thành ngực, sử dụng chất kích thích như cần sa...
  • Tăng prolactin máu cũng có thể gặp trong một số bệnh nhân đang điều trị huyết áp, trầm cảm hay trào ngược dạ dày thực quản...
  • Bình thường, prolactin cũng có thể tăng trong một số hoạt động của cơ thể như khi tác động massage ngực, kích thích núm vú, sau khi giao hợp, hay sau khi tập thể dục...
  • Hiện tượng tăng prolactin máu trong quá trình mang thai và cho con bú được cho là tình trạng tăng prolactin sinh lý.

Kết quả xét nghiệm prolactin thấp hơn so với ngưỡng bình thường


Nếu chỉ số prolactin bị thấp hơn so với bình thường gặp trong các vấn đề như rối loạn chức năng buồng trứng ở nữ giới, hội chứng trao đổi chất, trạng thái tâm lý căng thẳng, nam giới bị rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, ít tinh trùng hay tinh trùng suy nhược, giảm chức năng sinh dục.

Nồng độ prolactin thấp có liên quan đến một số biểu hiện của suy giảm khả năng tình dục của nam giới. Những người đàn ông có nồng độ prolactin thấp hơn mức trung bình có khả năng tình dục kém hơn và việc đạt cực khoái khi giao hợp cũng thấp hơn so với những người khác.

Prolactin được sản xuất ra ở tuyến yên nên sự suy giảm về nồng độ prolactin trong máu có thể là dấu hiệu của bệnh lý suy tuyến yên.

Ngoài ra, một số loại thuốc cũng có thể gây hạ prolactin máu như dopamine, levodopa hay các dẫn xuất của alkaloid...

Xét nghiệm hormone prolactin là một trong những chỉ định thường xuyên để nhằm xác định các rối loạn trong chức năng sinh sản của nam giới và nữ giới. Nếu phát hiện những biểu hiện bất thường như đau đầu, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn cương dương, tăng tiết sữa bất thường...hay đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn khám và điều trị kịp thời tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản dẫn đến vô sinh hiếm muộn.

No comments