Phân biệt vàng da sinh lý và bệnh lý ở trẻ sơ sinh

Vàng da là bệnh trẻ em không hiếm. Tình trạng này xảy ra do sự tích tụ của bilirubin – một chất có màu vàng được sinh ra khi các tế bào máu đỏ bị phá vỡ. Các tế bào này thường xuyên bị phá vỡ và được thay mới nhưng gan của bé lại chưa đủ trưởng thành để lọc bỏ hết  bilirubin khỏi máu.

Sau khoảng 2 tuần thì gan cả bé đã phát triển đầy đủ hơn và có đủ khả năng để xử lý bilirubin, nên đa số bệnh vàng da sẽ tự khỏi. Tuy nhiên không loại trừ khả năng bị vàng da bệnh lý, cần có sự can thiệp điều trị, nếu không sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Có hai loại vàng da xảy ra ở trẻ sơ sinh là vàng da sinh lý hoặc vàng da bệnh lý. Thông thường, vàng da sinh lý sẽ biến mất sau khoảng thời gian ngắn. Còn vàng da bệnh lý lại cực kỳ nguy hiểm vì trẻ có thể bị hôn mê, co giật.

Vàng da sinh lý

vang-da-tre-so-sinh


Với trẻ sinh đủ tháng, hiện tượng vàng da được coi là vàng da sinh lý khi xuất hiện sau 24 giờ tuổi và biến mất trong vòng 1 tuần (đối với trẻ non tháng thì là 2 tuần). Các biểu hiện của trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý là:

  • Chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn và không đi kèm các triệu chứng bất thường khác như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú….
  • Nồng độ Bilirubin trong máu không quá 12 mg% (đối với trẻ đủ tháng) và không quá 5mg% (đối với trẻ thiếu tháng).
  • Tốc độ tăng Bilirubin trong máu không quá 5 mg% trong 24 giờ.
  • Nước tiểu của trẻ có màu tối hoặc màu vàng, phân nhạt màu.

Vàng da bệnh lý 


Thông thường, nếu như vàng da là một biểu hiện của một căn bệnh nào đó thì sẽ xuất hiện trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Biểu hiện của vàng da bệnh lý như sau:

  • Trẻ sẽ không hết vàng da sau 1 tuần (đối với trẻ đủ tháng) và 2 tuần (đối với trẻ thiếu tháng).
  • Vàng da toàn thân, kể cả lòng bàn tay, bàn chân và kết mạc mắt.
  • Trẻ xuất hiện một số các triệu chứng bất thường: bỏ bú, co giật, biểu hiện lừ đừ…
  • Bilirubin trong máu cao hơn bình thường.

Đối với vàng da bệnh lý ở trẻ, phải được phát hiện và can thiệp điều trị kịp thời. Nếu không rất dễ có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh làm trẻ tử vong hoặc bị hại não suốt đời. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải nắm rõ các dấu hiệu trẻ sơ sinh bị vàng da để có các biện pháp xử lý nhanh chóng và đúng lúc.

Nguyên nhân vàng da ở trẻ sơ sinh

Đối với vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân là do sự tích tụ của Bilirubin. Đây là chất được giải phóng ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ và có màu vàng. Vì trẻ sơ sinh có lượng tế bào hồng cầu cao nên các tế bào này liên tục bị phá vỡ và được thay thế. Tuy nhiên, gan của trẻ chưa thể lọc bỏ hết Bilirubin ra khỏi máu nên sẽ gây vàng da. Đến khi được khoảng 2 tuần tuổi, gan của trẻ đã được phát triển hoàn thiện hơn, đủ sức xử lý Bilirubin thì bệnh vàng da sẽ hết và không gây ra nguy hiểm gì.

Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh

vang-da-benh-ly

Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh có thể do một số nguyên nhân sau:
  • Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con
  • Bệnh lý tan máu
  • Xuất huyết dưới da
  • Chậm đi phân su
  • Nhiễm virus bào thai
  • Bệnh lý gan mật bẩm sinh

Các nguyên nhân khác gây vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Bầm tím khi sinh hoặc chảy máu nội bộ khác: Đôi khi em bé thâm tím trong quá trình sinh. Nếu trẻ sơ sinh có vết bầm tím, người đó có thể có một mức độ cao hơn của bilirubin từ sự phân hủy của các tế bào máu đó;
  • Nhiễm trùng;
  • Thiếu enzyme G6PD;
  • Trẻ sơ sinh có nhiều khả năng bị vàng da hơn nếu: có anh chị em ruột bị vàng da;
  • Có nguồn gốc là người Đông Á;
  • Có tình trạng rối loạn di truyền nhất định (hội chứng Gilbert, các khuyết tật của màng tế bào hồng cầu bẩm sinh (VD: bệnh hồng liềm, hồng cầu hình bia bắn, rối loạn chuyển hóa di truyền galactose huyết).
  • Có bệnh như xơ nang hay bị nhược giáp.

Những trẻ có nguy cơ bị vàng da bệnh lý sơ sinh gồm có:

  • Trẻ sinh non (được sinh ra trước khi thai được 36 tuần tuổi hoặc cân nặng < 2500g). Trẻ sinh non có thể không thể xử lý nhanh bilirubin như trẻ sơ sinh đủ tháng làm. 
  • Những đứa trẻ không được bú sữa mẹ hoặc sữa công thức, vì chúng gặp khó khăn khi bú hoặc vì mẹ không có sữa. Lượng dịch không đủ trong cơ thể làm nồng độ bilirubin trong máu tăng lên. Vì vậy, nếu mẹ chưa có nhiều sữa đủ cho con bú, nhiều khả năng bé sẽ bị vàng da. Trẻ bú sữa công thức cũng bị vàng da nếu không được cung cấp đủ sữa.
  • Trẻ có nhóm máu không tương thích với nhóm máu của mẹ (không tương hợp nhóm máu Rh hoặc ABO), dẫn tới hình thành kháng thể trong máu mẹ có thể gây phá hủy các tế bào hồng cầu trong máu con và gây ra sự gia tăng đột ngột nồng độ bilirubin.

Phòng ngừa vàng da sơ sinh bệnh lý


  • Chăm sóc sức khỏe tốt khi mang thai, khám thai đầy đủ theo lịch hẹn để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý trong thai kỳ. Nhờ đó tránh được sinh non, sinh nhẹ cân, quá cân, nhiễm trùng từ mẹ sang con.
  • Cho trẻ bú sữa non ngay sau sinh và giữ ấm trẻ để giúp trẻ không bị hạn thân nhiệt, hạ đường huyết và đi phân su sớm ngay sau sinh.
  • Phòng trẻ phải có đủ ánh sáng để có thể dễ dàng theo dõi màu sắc da của trẻ.

Có 2 phương pháp để điều trị vàng da sơ sinh bệnh lý do tăng Bilirubin gián tiếp:

dieu-tri-vang-da

  • Chiếu đèn là phương pháp điều trị đơn giản, an toàn và hiệu quả. Mục tiêu của phương pháp này là sử dụng năng lượng ánh sáng xuyên qua da giúp chuyển hóa Bilirubin tự do trong máu thành chất khác không độc, đào thải ra ngoài phân, nước tiểu. Khi chiếu đèn, trẻ sẽ được cởi bỏ quần áo ở trần, che kín mắt và bộ phận sinh dục, xoay trở để tăng diện tích da tiếp xúc với ánh sáng.
  • Thay máu là biện pháp được sử dụng khi trẻ vàng da ở mức độ nặng thất bại điều trị với liệu pháp chiếu đèn hoặc có triệu chứng thần kinh đi kèm.

Lưu ý: Phơi trẻ dưới nắng vào buổi sáng không giúp điều trị vàng da bệnh lý vì cường độ ánh sáng của nắng sớm quá yếu và trẻ cũng không thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài để đạt được hiệu quả.

Để điều trị vàng da sơ sinh bệnh lý do tăng Bilirubin trực tiếp thường tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh lý mà có các phương pháp điều trị khác nhau. Phẫu thuật nếu trẻ bị bệnh lý teo đường mật hoặc giãn đường mật bẩm sinh.

Các mẹ cần theo dõi trẻ, phòng ngừa và đưa trẻ đi khám ngay khi có các dấu hiệu của vàng da bệnh lý sơ sinh.

No comments