Chlamydia: Khái niệm và những điều cần biết

Khái niệm      

Chlamydia là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục bởi do vi khuẩn gọi Chlamydia trachomatis gây ra.

Chlamydia trachomatis là một vi khuẩn khá đặc biệt, thực chất nó là một loại vi sinh vật trung gian giữa vi khuẩn và virus.

Chlamydia là bệnh rất phổ biến và có khoảng 131 triệu người trên thế giới mắc bệnh này mỗi năm. Bệnh ảnh hưởng đến cả phụ nữ và nam giới, đặc biệt phổ biến ở độ tuổi dưới 25. 

Tỷ lệ người mắc bệnh Chlamydia  nhiều hơn 3 lần so với bệnh lậu và 50 lần so với giang mai, mặc dù đây là hai bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Bệnh có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn, nghiêm trọng đến hệ sinh sản của phụ nữ, làm cho phụ nữ khó hoặc không thể mang thai về sau

Chlamydia cũng có thể gây ra hiện tượng thai ngoài tử cung (mang thai bên ngoài dạ con) có thể gây tử vong tiềm ẩn. Tổn thương có thể gây ra do Chlamydia đối với hệ sinh sản của phụ nữ.

Chỉ định xét nghiệm chlamydia

 Những nhóm người sau đây nên xét nghiệm Chlamydia hàng năm:

  • Tất cả những phụ nữ và nam giới dưới 25 tuổi có hoạt động tình dục
  • Những người có nguy cơ cao cần chẩn đoán bệnh, bao gồm:
  • Những người có quan hệ tình dục không an toàn.
  • Người quan hệ tình dục đồng giới.
  • Những người có quan hệ tình dục với nhiều người hoặc với bạn tình mới.
  • Người có tiền sử mắc bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục.
  • Người có bị mắc nhiều bệnh xã hội (đặc biệt là HIV).

Các trường hợp khác nên làm chẩn đoán bệnh :

  • Khi mang thai.
  • 3 tháng sau khi điều trị một bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Mỗi khi có một bạn tình mới nếu bạn không biết rõ bạn tình đó.

Ý nghĩa xét nghiệm Chlamydia

 Xét nghiệm Chlamydia là xét nghiệm để tìm Chlamydia có trong cơ thể nhằm xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Nếu không điều trị, bệnh Chlamydia có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như:

Đối với nữ giới: có thể biến chứng thành bệnh viêm vùng chậu (PID) dẫn đến vô sinh do tổn thương ống dẫn trứng, tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Đối với phụ nữ có thai, Chlamydia có thể gây sinh non hoặc lây nhiễm sang con trong khi sinh gây nhiễm trùng mắt, viêm phổi dẫn đến mù lòa thậm chí khiến trẻ tử vong sau khi sinh. C.trachomatis có thể kết hợp cùng với HPV (Human papilloma virus) – một virus gây u nhú có khả năng đưa đến ung thư cổ tử cung

Đối với nam giới: gây nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm mào tinh hoàn hoặc viêm trực tràng, ảnh hưởng đến đời sống tình dục và sinh hoạt bình thường.

Bệnh Chlamydia cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, như HIV hoặc bệnh lậu.

Các phương pháp phát hiện Chlamydia



Để biết có bị nhiễm Chlamydia hay không, có thể sử dụng các phương pháp xét nghiệm sang lọc hoặc chẩn đoán xác định dưới đây:

Xét nghiệm Chlamydia dịch (Quick test)

Quick test được thực hiện từ mẫu dịch vùng kín của người bệnh như dịch tiết niệu đạo, âm đạo.

Xét nghiệm Chlamydia IgG và Chlamydia IgA

Xét nghiệm này sử dụng mẫu là huyết thanh của người bệnh, giúp phát hiện kháng thể Chlamydia IgG và IgA trong mẫu huyết thanh nhằm đánh giá tình trạng bệnh nhân đã từng mắc bệnh mà không có triệu chứng hay là đang trong tình trạng cấp tính.

Xét nghiệm Chlamydia PCR

Cũng giống như Quick test, đây là xét nghiệm lấy mẫu bệnh phẩm là dịch sinh dục của người bệnh nhưng được thực hiện với kỹ thuật hiện đại hơn.

No comments