Bệnh viêm phổi ở trẻ em - Nguyên nhân và cách phòng tránh

Bệnh viêm phổi ở trẻ em là gì?

Viêm phổi là tình trạng viêm, nhiễm trùng ở phổi, khiến các túi khí ở phổi bị tổn thương. Khi bị viêm, các túi khí này chứa đầy những chất lỏng, dịch mủ làm cho người bệnh bị sốt, khó thở, ho có đờm. 

Theo thống kê trong những năm gần đây, viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi là nhóm tuổi có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất. 

Các chuyên gia y tế đã tìm thấy có đến hơn 30 nguyên nhân khác nhau gây viêm phổi, trong đó virus là nguyên nhân phổ biến nhất. Ngoài ra, nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng cũng có thể là thủ phạm gây ra căn bệnh này. Không những vậy, trẻ cũng có thể bị viêm phổi do hít phải khói bụi ô nhiễm hoặc ăn phải những thực phẩm có tác nhân gây bệnh. Thực tế, rất khó để nhận biết được tác nhân nào gây viêm phổi. Thông thường, các bác sĩ sẽ dựa theo kinh nghiệm, các triệu chứng của trẻ để điều trị. 

Với người trưởng thành có sức khỏe tốt, viêm phổi có thể được điều trị khỏi trong vòng 1 – 2 tuần. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, người lớn tuổi, những người đang mắc phải các căn bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh tim, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, những người có hệ miễn dịch kém thì viêm phổi thật sự là một căn bệnh rất nguy hiểm. 

Người bệnh viêm phổi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, nhiễm trùng huyết và áp xe phổi

Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ em

viêm phổi ở trẻ em

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi ở trẻ em, trong đó thường gặp là: viêm phổi thể do vi khuẩn, virus, nấm, hóa chất...

Trẻ trên 5 tuổi thường gặp viêm phổi do các loại vi khuẩn không điển hình như: Mycoplasma Pneumonia, Chlamydia Pneumoniae, phế cầu, các loại siêu vi hô hấp.

Trẻ dưới 5 tuổi thường gặp viêm phổi do vi khuẩn: phế cầu, tụ cầu vàng, liên cầu pyogenes, HiB. HiB trước đây là một tác nhân quan trọng gây ra viêm phổi ở trẻ, nhưng sau này do có chương trình tiêm ngừa nên tác nhân này hiện không đáng kể.

Trẻ dưới 2 tháng tuổi thì ngoài các vi khuẩn như của trẻ dưới 5 tuổi còn có thể gặp một số vi khuẩn đường ruột như: E.Coli, Proteus...do mẹ truyền qua.

Ngoài ra có các yếu tố thuận lợi gây bệnh như:

  • Hoàn cảnh kinh tế – xã hội không thuận lợi về các mặt như tiện nghi, nguồn nước, nhà vệ sinh, chăm sóc sức khỏe ban đầu…
  • Môi trường sống đông đúc, kém vệ sinh, ô nhiễm không khí trong nhà.
  • Trong gia đình có người mắc bệnh lao, hút thuốc lá.
  • Không biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ: không bú mẹ, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, thiếu kẽm… , không được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.
  • Trẻ đẻ non, cân nặng thấp khi sinh, dị tật bẩm sinh tại đường hô hấp, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải …
  • Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột.

Các biện pháp phòng tránh bệnh viêm phổi cho trẻ nhỏ

Xem thêm:

Viêm phổi ở trẻ em là bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao nhưng có thể phòng ngừa và ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm của bệnh, bằng cách:

Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh

trẻ bị viêm phổi

Một số tác nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể được ngăn ngừa bằng vắc xin.

  • Vi khuẩn ho gà Bordetella pertussis và vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B gây bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể phòng ngừa bằng việc tiêm vắc xin khi trẻ được 2 tháng tuổi.
  • Vi khuẩn phế cầu – tác nhân phổ biến gây bệnh viêm phổi đã có vắc xin phòng ngừa, được khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi.
  • Virus cúm mùa có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi nếu không may mắc bệnh. Vì thế, trẻ cần được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa từ 6 tháng tuổi, đặc biệt là những trẻ mắc bệnh rối loạn tim phổi hoặc hen suyễn vì có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng.
  • Virus sởi gây bệnh sởi có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi, có thể được phòng ngừa bằng vắc xin, được khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi.

Mặc dù còn nhiều tác nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ em chưa có vắc xin phòng ngừa nhưng tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là phương pháp giúp phòng bệnh hiệu quả, trong trường hợp trẻ bị nhiễm trùng cũng nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn, ít biến chứng nghiêm trọng hơn.

Không cho trẻ tiếp xúc với các nguồn lây bệnh

  • Trẻ em bị viêm phổi không phải hoàn toàn do trẻ không được mặc ấm, vì thời tiết nóng hoặc lạnh (như chúng ta thường nghĩ…), mà chủ yếu do trẻ bị nhiễm từ cộng đồng (trong gia đình hoặc bên ngoài). Do vậy, cần tạo cho trẻ có môi trường sống trong lành: không khói thuốc lá và các tác nhân gây ô nhiễm khác.
  • Tránh tiếp xúc đám đông, đặc biệt người ốm có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho,…
  • Người chăm sóc trẻ phải rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi tiếp xúc với trẻ, cho trẻ ăn uống.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ

  • Với trẻ sơ sinh: Đảm bảo cho trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
  • Với trẻ nhỏ: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung thêm rau xanh, hoa quả, đặc biệt là nhóm trái cây có múi tăng vitamin C; Thịt, cá tăng lượng đạm, omega-3…
  • Cho trẻ ăn ngủ đúng giờ. 
  • Không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

No comments