Vô sinh hiếm muộn và các bệnh lý thường gặp ở nữ giới

1. Vô sinh hiếm muộn là gì?

Vô sinh hiếm muộn được định nghĩa là việc không thể mang thai (thụ thai) sau 1 năm (hoặc lâu hơn) một cặp đôi có quan hệ tình dục không sử dụng phương pháp bảo vệ. Đối với phụ nữ trên 35 tuổi thì thời gian này là 6 tháng vì khả năng sinh sản của phụ nữ được biết là giảm dần theo thời gian.


Chúng ta biết rằng mang thai là kết quả của một quá trình gồm nhiều bước bao gồm:
- Sự rụng trứng ở phụ nữ
- Trứng được thụ tinh bởi tinh trùng của người đàn ông
- Trứng thụ tinh di chuyển qua vòi trứng đến tử cung
- Trứng thụ tinh cấy vào tử cung
Vô sinh có thể xuất phát từ một hay vài bước trong số các bước trên.

2. Nguyên nhân gây vô sinh ở phụ nữ là gì?

Cơ quan sinh sản ở cơ thể người phụ nữ gồm các bộ phận: buồng trứng, ống dẫn trứng, và tử cung. Một yếu tố ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào trong số đó đều có thể là nguyên nhân vô sinh ở nữ giới. Một số tình trạng dưới đây có thể xác định thông qua các xét nghiệm.

2.1. Sự rối loạn chức năng rụng trứng

Thông thường phụ nữ sẽ rụng trứng hàng tháng, thể hiện qua chu kỳ kinh nguyệt Một chu kỳ kinh nguyệt trung bình kéo dài khoảng 28-34 ngày. Trong đó ngày đầu tiên là ngày bắt đầu hành kinh (chảy máu), ngày trứng rụng là ngày thứ 14 của chu kỳ (đối với chu kỳ kinh nguyệt đều và ổn định).
Đối với chu kỳ kinh nguyệt không đều thì việc xác định ngày trứng rụng cần dựa vào biểu hiện của cơ thể (chất nhầy cổ tử cung - thường sẽ đặc như lòng trắng trứng xung quanh thời điểm trứng rụng), bộ dụng cụ theo dõi trứng rụng, các xét nghiệm về nồng độ hormone hay phương pháp siêu âm. Một người phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều có khả năng không xảy ra sự rụng trứng.
Sự rối loạn này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và nên được đánh giá bởi các bác sỹ chuyên khoa.

2.2. Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovary syndrome – PCOS) 


Đây là nguyên nhân khiến phụ nữ không rụng trứng hoặc rụng trứng không đúng chu kỳ. 
Bệnh này thường xảy ra ở khoảng 15% nữ giới trong độ tuổi sinh sản, đồng nghĩa là có những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang nhưng vẫn có con bình thường. Người phụ nữ trong khoảng tỉ lệ 15 % do có rất nhiều trứng nhưng trứng không rụng dẫn đến không có quá trình thụ thai. Một số phụ nữ bị hội chứng này có nồng độ testosterone tăng cao, có thể gây ra mụn trứng cá và tóc mọc quá mức, thừa cân, béo phì.... PCOS là nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh ở nữ giới. 
Buồng trứng đa nang khiến phụ nữ không rụng trứng hoặc rụng trứng không đều dẫn đến vô sinh.

2.3. Sự suy giảm dự trữ buồng trứng (Diminished ovarian reserveexternal icon – DOR) 

Phụ nữ được sinh ra với một lượng trứng nhất định và chúng sẽ giảm dần theo độ tuổi. DOR là hiện tượng lượng trứng còn lại trong buồng trứng ít hơn bình thường. Số lượng trứng của phụ nữ giàm tự nhiên khi tuổi tác của họ tăng lên, tuy nhiên nó cũng có thể xảy ra do nguyên nhân bẩm sinh, y tế, phẫu thuật hoặc không xác định. Suy buồng trứng cũng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm nhu cầu tình dục và gây cản trở chức năng sinh sản của phái nữ. Bệnh thường xuất hiện ở nữ giới trong độ tuổi từ 35 - 45. Phụ nữ bị suy giảm dự trữ buồng trứng vẫn có thể có thai tự nhiên, nhưng khó đáp ứng với các phương pháp điều trị sinh sản vì có ít trứng.

2.4. Vô kinh thứ phát (Functional hypothalamic amenorrhea – FHA) 

Là tình trạng vô kinh do tập thể thao quá mức, căng thẳng hoặc thiếu cân nghiêm trọng. Nó cũng có thể liên quan đến rối loạn ăn uống như chán ăn.

2.5. Rối loạn chức năng của vùng dưới đồi và tuyến yên 

Tương tự nam giới, vùng dưới đồi và tuyến yên ở phụ nữ sản xuất hormone duy trì chức năng bình thường của buồng trứng. Sự sản xuất quá nhiều hormone prolactin bởi tuyến yên (thường là kết quả của một khối u lành hoặc ác tính) hoặc việc thực hiện không đúng chức năng của tuyến yên hoặc vùng dưới đồi, có thể khiến phụ nữ không rụng trứng. 



2.6. Mãn kinh sớm (suy buồng trứng sớm – Premature ovarian insufficiencyexternal icon POI) 

Xảy ra khi phụ nữ bị mãn kinh trước 40 tuổi. Nguyên nhân của tình trạng mãn kinh sớm có thể do phẫu thuật hoặc hóa trị/ xạ trị (để điều trị ung thư), nhưng phần lớn là không xác định được. Mặc dù vậy vẫn có khoảng 5-10% phụ nữ bị mãn kinh sớm vẫn thụ thai tự nhiên và có con bình thường.

2.7. Thời kỳ mãn kinh 

Là thời kỳ phụ nữ bị suy giảm chức năng buồng trứng một cách tự nhiên, xảy ra khi họ vào độ tuổi 50. Ngoài việc không còn chu kỳ kinh nguyệt, họ thường trải qua các cơn bốc hỏa, thay đổi tâm trạng, khó ngủ và các triệu chứng khác.

2.8. Viêm tắc vòi trứng



Vòi trứng (hay còn được biết tới là ống dẫn trứng) giữ vai trò cầu nối giữa tinh trùng và trứng để vận chuyển trứng đã được thụ tinh đến tử cung làm tổ. Tuy nhiên, nếu vòi trứng bị viêm, hay tắc nghẽn, bó hẹp lại sẽ khiến tinh trùng khó kết hợp được với trứng và trứng sẽ không thể di chuyển về tử cung làm tổ. Điều này vô tình dẫn đến trường hợp mang thai ngoài tử cung hoặc vô sinh, khó có con sau này.

Nguyên nhân của tình trạng này bao gồm viêm âm đạo, nhiễm trùng vùng chậu, tiền sử vỡ ruột thừa, bệnh lậu hoặc chlamdia, phẫu thuật ỏ bụng hoặc lạc nội mạc tử cung.

2.9. U nang buồng trứng

U nang buồng trứng được biết tới là một trong những bệnh phụ khoa có khả năng gây vô sinh ở phái nữ rất cao. Những khối u nang được hình thành và phát triển từ những bao nang có chứa dịch bên trong buồng trứng. Bệnh sẽ gây tổn thương trực tiếp tới buồng trứng, làm co ép tử cung và khi tinh trùng gặp nhau sẽ khó tạo thành hợp tử để thụ thai.
Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh là những khối u ác tính và làm tăng nguy cơ vô sinh ở nữ giới.

2.10. Viêm buồng trứng

Người bị viêm buồng trứng dễ bị rối loạn ngày rụng trứng, từ đó khiến ống dẫn trứng khó thực hiện được chức năng phóng noãn và làm trứng không thể rụng để kết hợp với tinh trùng thụ tinh. Đặc biệt, bệnh viêm buồng trứng nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng như dính buồng trứng, tắc vòi trứng, từ đó làm tăng khả năng vô sinh ở nữ giới cao hơn.
Một vài dấu hiệu nhận biết bệnh viêm buồng trứng là đau vùng bụng dưới, đau xương hông và hậu môn, rối loạn kinh nguyệt kèm theo sốt cao, ớn lạnh, cơ thể nhức mỏi...

2.11. Tử cung bất thường

Tử cung bất thường bao gồm hình dạng bất thường và các tình trạng khác như chảy máu, tăng sinh nội mạc tử cung,…): tùy thuộc vào triệu chứng của cơ thể mà bác sỹ chuyên khoa có thể chỉ định siêu âm để tìm khối u hoặc các bất thường về giải phẫu khác.

3. Nguyên nhân làm tăng khả năng vô sinh ở phụ nữ là gì?


Khả năng sinh sản ở nữ giới có thể giảm do các nguyên nhân sau:

- Tuổi tác: tuổi tác không những làm giảm khả năng thụ thai ở nữ giới mà nó còn tăng khả năng sảy thai cũng như em bé sinh ra gặp vấn đề về di truyền. 
Tuổi tác làm giảm khả năng thụ thai, tăng khả năng vô sinh ở nữ giới là do:
+ Còn ít trứng dự trữ hơn
+ Chất lượng trứng giảm
+ Phụ nữ dễ gặp các vấn đề về sức khỏe ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hơn
+ Dễ bị sảy thai hơn
- Hút thuốc lá
- Nghiện rượu
- Tăng hoặc giảm cân quá nhiều
- Vận động thể chất hoặc căng thẳng quá mức gây vô sinh thứ phát

4. Phòng ngừa vô sinh ở nữ giới?

- Duy trì cân nặng ở mức bình thường, tránh thừa hay thiếu cân.
- Chế độ ăn uống khoa học, hợp lí, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi, bổ sung vitamin và đậu nành cho cơ thể.
- Không hút thuốc vì thuốc lá có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản và sức khỏe của thai nhi.
- Hạn chế rượu bia, các chất kích thích
- Giảm áp lực, căng thẳng, luôn giữ tinh thần được thoải mái, vui vẻ để nâng cao chất lượng cuộc sống chăn gối.
- Khám sức khỏe định kì, phát hiện sớm bệnh phụ khoa như viêm nhiễm phụ khoa, u xơ tử cung để điều trị kịp thời và ngăn ngừa tình trạng vô sinh hiếm muộn.

5. Các cặp đôi nên thử để mang thai trong bao lâu trước khi cần đến gặp bác sỹ?

Hầu hết các chuyên gia khuyên phụ nữ dưới 35 tuổi nên thử mang thai ít nhất 1 năm trước khi đến gặp bác sỹ. Đối với phụ nữ trên 35 tuổi thì thời gian trên chỉ là 6 tháng vì khả năng mang thai của phụ nữ giảm nhanh chóng mỗi năm khi cô ấy bước qua tuổi 30. 
Một số vấn đề về sức khỏe cũng ảnh hưởng đến khả năng có con. Vì vậy các cặp đôi có những biểu hiện sức khỏe sau không nên trì hoãn việc đến gặp các chuyên gia khi muốn có em bé:

Đối với nữ giới:
- Chu kỳ kinh nguyệt bất thường hoặc không có kinh nguyệt
- Đau bụng dữ dội khi hành kinh
- Lạc nội mạc tử cung
- Viêm vùng chậu
- Hơn một lần sảy thai

Đối với nam giới:
- Tiền sử chấn thương tinh hoàn, phẫu thuật thoát vị, hóa trị hoặc không thể có con với đối tác khác trước đó.
Nhìn chung, khi có ý định mang thai, hai bạn nên đến gặp bác sỹ chuyên khoa để được kiểm tra sức khỏe và tư vấn hoặc can thiệp nếu cần thiết để bạn có thể chuẩn bị tốt nhất cho việc có em bé. 

No comments